Thời Dương Phổ trị vì Từ_Ôn

Năm 921, theo ý của Từ Ôn, Dương Phổ tế Nam Giao, mục đích là khẳng định Thiên mệnh. (Các quan lại khác cố gắng can ngăn Từ Ôn vì cho rằng phải chịu phí tổn lớn, song ông nói rằng có thể tiến hành nghi thức này một cách tiết kiệm mà không cần phải chi phí nhiều như triều Đường.)[15]

Năm 923, Lý Tồn Úc xưng là hoàng đế Đường (tức Hậu Đường Trang Tông). Khi Hậu Đường và Hậu Lương chuẩn bị cho một cuộc cuộc chiến quyết định, hoàng đế Hậu Đường đề nghị Ngô cùng hợp binh tiến công Hậu Lương. Tuy nhiên, vào thời điểm này Ngô cũng bắt đầu nhận thấy Hậu Đường là một mối đe dọa, vì thế Từ Ôn dự tính khiển một hạm đội tiến về phía bắc, hỗ trợ bên nào chiếm ưu thế. Nghiêm Khả Cầu sau đó can gián, cho rằng sẽ khó xử nếu Hậu Lương cũng yêu cầu hợp binh, Từ Ôn do vậy quyết định không hành động.[16]

Cũng trong năm 923, Hậu Đường chiếm được kinh đô Đại Lương của Hậu Lương, hoàng đế Chu Trấn của Hậu Lương tự sát. Hậu Đường sau đó khiển sứ giả đến Ngô và Tiền Thục để thông báo việc diệt Lương, cả hai nước đều khiếp sợ. Từ Ôn thoạt đầu oán trách Nghiêm Khả Cầu rằng khi trước không nên ngăn ông hợp binh, Nghiêm Khả Cầu chỉ ra rằng Hậu Đường Trang Tông trở nên kiêu ngạo sau chiến thắng và không còn cai quản tốt, và bày tỏ mình tin rằng Hậu Đường Tràng Tông sẽ mất ngôi vị trong vòng vài năm.[16]

Vẫn trong năm 923, sau khi Thọ châu đoàn luyện sứ Chung Thái Chương bị buộc tội biển thủ tiền mua quan mã, Từ Tri Cáo bổ nhiệm Trừ châu thứ sử Vương Nhẫm (王稔) thay thế chức vụ của Chung Thái Chương, giáng Chung Thái Chương làm Nhiêu châu[chú 22] thứ sử. Từ Ôn triệu Chung Thái Chương đến Kim Lăng để đích thân thẩm vấn, song đến khi Chung Thái Chương từ chối biện hộ cho bản thân, Từ Ôn thả người này ra. Từ Tri Cáo muốn trừng phạt Chung Thái Chương hơn nữa, song Từ Ôn nói rằng nếu không có Chung Thái Chương thì ông đã chết dưới tay Trương Hạo, và từ chối. Thay vào đó, Từ Ôn cho nhi tử của Từ Tri Cáo là kết hôn với nhi nữ của Chung Thái Chương nhằm hòa giải.[16]

Năm 924, khi Dương Phổ đến cảng Bạch Sa[chú 23] để xem xét lâu thuyền, Từ Ôn và Từ Tri Cáo đều đến yết kiến Dương Phổ, và Dương Phổ nhân thời cơ này để than phiền về thân lại của Từ Ôn là Trạch Kiền (翟虔)- người mà Từ Ôn cho quản lý các môn, cung thành, võ bị; do Trạch Kiền đặt ra nhiều hạn chế trong việc di chuyển của Dương Phổ và theo dõi các động thái của ông. Từ Ôn đốn thủ (lạy đầu sát đất) tạ tội, thỉnh trảm Trạch Kiền, song Dương Ác nói rằng việc này không cần thiết mà chỉ cần lưu đày là đủ, do vậy Từ Ôn đày Trạch Kiền đến Phủ châu.[17]

Năm 926, do bị ốm nên Tiền Lưu đã đến Y Cẩm quân[chú 24] tĩnh dưỡng, cho Tiền Truyền Quán xử lý chính sự tại quốc đô. Từ Ôn phái sứ giả đến, bề ngoài là nhằm chúc cho Tiền Lưu nhanh bình phục, song Tiền Lưu đã đánh giá chính xác rằng Từ Ôn đang cố tìm ra bệnh của mình để chuẩn bị tiến công, vì thế vẫn cố gắng tiếp sứ giả. Từ Ôn cho rằng Tiền Lưu không bị bệnh nên đã hủy bỏ kế hoạch tiến công. Sau đó, Tiền Lưu hồi phục và trở về Tiền Đường.[18]

Sau khi Hậu Đường Trang Tông bị hành thích và Hậu Đường Minh Tông tức vị ở Trung Nguyên, quốc chủ Kinh NamCao Quý Hưng tuyên bố độc lập. Năm 927, Cao Quý Hưng cho bắt ngựa mà Hậu Đường Minh Tông ban cho Mã Ân, đề nghị được làm thần của Ngô. Từ Ôn cho rằng việc nhận Kinh Nam làm chư hầu là không thực tế vì khoảng cách xa xôi, nên quyết định từ chối.[19]

Trong nhiều năm, các tham mưu của Từ Ôn, trong đó có Nghiêm Khả Cầu,[14] Trần Ngạn Khiêm (陳彥謙),[17] và Từ Giới, chủ trương rằng Từ Ôn nên để một nhi tử thân sinh thay thế Từ Tri Cáo bình chính, trong khi Từ Tri Tuân (徐知詢) thì từ lâu đã thỉnh cầu được thay thế Từ Tri Cáo. Từ Ôn không muốn làm điều này vì Từ Tri Cáo siêng năng và hiếu thảo. Tuy nhiên, cuối năm 927, Từ Ôn từ Kim Lăng đến Giang Đô (tức Dương châu) để thúc giục Dương Phổ xưng đế, và nhân cơ hội này để tái bổ nhiệm Từ Tri Tuân và Từ Tri Cáo. Tuy nhiên, khi rời khỏi Kim Lăng, Từ Ôn lâm bệnh, vì thế ông ta khiển Từ Tri Tuân đem biểu dâng lên Dương Phổ. Từ Tri Cáo hay tin thì chuẩn bị từ vị và thỉnh được trao cho chức Trấn Nam tiết độ sứ, song Từ Ôn qua đời trước khi Từ Tri Tuân đến được Giang Đô. Từ Tri Huấn vội vã trở về Kim Lăng để lo hậu sự cho cha, Từ Tri Cáo vẫn phụ trách chính sự. Dương Phổ truy phong Từ Ôn là Tề vương.[2] Sau khi Từ Tri Cáo soán vị Ngô gia và lập quốc Hậu Đường, ông ta cải danh tính thành Lý Biện, song vẫn truy thụy hiệu cho Từ Ôn là Vũ hoàng đế, miếu hiệu là Nghĩa Tổ.[20]